Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Đăng nhập Đăng ký

ĐĂNG NHẬP

Quên mật khẩu

QUÊN MẬT KHẨU

ĐĂNG KÝ MỚI

Tên người dùng:
Mật khẩu:
Email:

Chương 23: Mẹ con cô chèo thuyền

5:44 sáng – 20/09/2024

Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 23: Mẹ con cô chèo thuyền tại dua leo tr 

Hàng Châu.

Bọn họ ra khỏi cửa Dũng Kim Môn, qua Nam Bình Vãn Chung, chèo về hướng Tam Đàm Ấn Nguyệt, đến cầu Tây Lĩnh, đã gần tới hoàng hôn.

Nước hồ thu ánh lên một nửa trời tịch dương, một ngư ông đội mũ đen, đang câu cá bên đầu cầu.

Xa xa trên những chiếc lâu thuyền, nghe văng vẳng truyền lại tiếng ngâm nga của các phường ca kỹ.

– Khán họa phảng tận nhập Tây Lĩnh

(Xem thuyền hoa đi qua Tây Lĩnh)

Văn khước bán hồ xuân sắc

(Nghe nửa trời xuân sắc trên hồ)

Trên Bạch Sa đề, những cây liễu dại đã khô héo, cỏ đã úa tàn, ba dặm đê không một ai qua lại.

– Thùy khai hồ tự Tây nam lộ

(Ai mở hồ, đường Tây nam)

Thảo lục quần yêu nhất đạo tà

(Một đường ngang cỏ mọc xanh um)

Ngắm cảnh thu sắc trên hồ, tuy không có rượu, cũng phải say ngất.

Phong Tứ Nương không nhịn nổi cũng cất tiếng ngâm :

– Nhược bả Tây hồ tỷ Tây tử

Nồng trang đạm mạt tổng tương nghi

Thẩm Bích Quân than nhẹ một tiếng nói :

– Hai câu ấy tuy có vẻ trần tục, nhưng để hình dung Tây hồ, lại không gì bằng.

Phong Tứ Nương hỏi :

– Chị đã lại đây rồi?

Thẩm Bích Quân gật gật đầu, cặp mắt mỹ lệ lộ vẻ cảm thương.

…. Trước dây không phải nàng và Liên Thành Bích đã từng dẫn nhau lại đây sao?

Phong Tứ Nương hỏi :

– Chị có biết Thủy Nguyệt lâu ở đâu không?

Thẩm Bích Quân lắc lắc đầu. Chủ thuyền là hai mẹ con, cô con gái tuy nhiên tóc rối tung, áo quần lam lũ, nhưng không mất vẻ duyên dáng.

Cô ta bỗng thò tay ra chỉ về phía trước nói :

– Nơi đấy chẳng phải Thủy Nguyệt lâu là gì?

Nơi cô ta chỉ, chính là giữa mặt hồ, nơi sắc thu nồng đậm nhất, tà dương phản chiếu trên sóng nước, tiếng ca đang vọng ra từ trên thuyền.

Phong Tứ Nương hỏi :

– Thủy Nguyệt lâu là một chiếc thuyền sao?

Cô chèo thuyền nói :

– Trên hồ có ba chiếc thuyền hoa lớn nhất, một chiếc tên là Bất Huyền Viên, một chiếc tên là Thư Họa Phảng, còn một chiếc nữa là Hoa Nguyệt Lâu.

Phong Tứ Nương hỏi :

– Mấy chiếc thuyền hoa đó lớn bao nhiêu?

Cô chèo thuyền nói :

– Lớn lắm, trên lâu thuyền ít ra cũng bày ra được ba bốn bàn tiệc.

Cô thở ra, giọng nói đầy vẻ ngưỡng mộ :

– Khi nào tôi có một chiếc thuyền hoa như vậy, tôi sẽ không đến nỗi khổ như bây giờ.

Cô ta nhìn hai bàn tay của mình, vốn cũng là hai bàn tay thanh tú lắm, bây giờ đã thấy nhăn nheo lại.

Con cái nhà chèo thuyền, ngày tháng trôi qua cũng tự tại lắm, chỉ có tội là bần khổ thôi.

Thẩm Bích Quân nhìn cô ta, bỗng nhiên hỏi :

– Các người bình thường mỗi ngày kiếm được bao nhiêu lượng bạc?

Cô chèo thuyền cười khổ nói :

– Chúng tôi làm sao ngày nào cũng kiếm lưọng bạc, bình thường chỉ bất quá mấy chục đồng thế thôi, chỉ có đến mùa xuân…

Nhắc đến mùa xuân, ánh mắt cô sáng rực lên.

Ba chục dặm nước xanh ở đây, đến mùa xuân, liễu và hoa, san sát bên nhau, hồng bay, lục dịu, hàng trăm hàng ngàn chiếc du thuyền, cùng một màu trắng ngợp trời, lan can màu đồng, chèo nhỏ, đem theo các cô các cậu, qua lại sáu chiếc cầu như chim yến bay lượn.

Ngày xuân mới là ngày bọn họ sung sướng hân hoan, bây giờ, trời đã vào cuối thu.

Thẩm Bích Quân bỗng nhiên cười lên một tiếng, nói :

– Cô có muốn vào trong thành dạo chơi một vài ngày không? Mua sắm xong, còn có năm lượng bạc cho cô.

Hoàng hôn.

Trên thuyền chỉ còn lại hai người, một người mẹ, một người con gái.

Phong Tứ Nương và Thẩm Bích Quân đâu?

Không phải bọn họ ở trên thuyền hay sao?

Thẩm Bích Quân là bà mẹ.

…. Bà mẹ thường thường ít bị người chú ý hơn, tôi không muốn ai nhận ra tôi.

Do đó, Phong Tứ Nương đành phải làm con của nàng.

Lấy phấn trắng làm cho đầu tóc thành hoa râm, rồi lấy một tấm khăn xanh quàng lên đầu, mặt mày tô vào tý màu mỡ, vẻ một vài nếp nhăn, tít mắt lại, cúi đầu xuống :

– Chị còn nhận ra tôi không?

Phong Tứ Nương bật cười :

– Tôi không ngờ chị cũng biết ít nhiều thuật dịch dung.

Thật ra, chỉ cần là người đàn bà biết trang điểm, tức nhiên đã biết ít nhiều thuật dịch dung rồi.

Dịch dung vốn không phải là chuyện gì thần kỳ, làm cho người ta lầm cũng không phải là chuyện gì thần kỳ.

– Bây giờ mình chỉ tối đa che giấu được người ta lúc ban đêm thế thôi.

– Trăng tròn không phải là ban đêm sao?

– Vì vậy, ban ngày mình không nên thò mặt ra.

Phong Tứ Nương cười nói :

– Chị chưa nghe người ta nói sao, tôi vốn là con mèo rừng.

…. Đêm nay là mười ba, hai hôm nữa trăng sẽ tròn.

Một vầng trăng chưa tròn lắm, đang từ từ lên, chiếu sáng một vùng non nước.

Tây hồ dưới ánh trăng, đẹp say đắm hồn người.

– Chị nghĩ gã Thiên Tôn ấy hai hôm nữa sẽ lại không?

– Nhất định sẽ lại, tôi chỉ sợ hắn đến rồi, mình lại nhận không ra.

– Chỉ cần hắn lại, chúng ta nhất định sẽ nhận ra.

– Chị có cách?

– Bây giờ mình đã có ba yếu tố.

– Sao?

– Thứ nhất, mình biết hắn là kẻ rất nhỏ thó, không những vậy còn ôm một con chó nhỏ.

– Thứ hai, mình biết hắn nhất định sẽ lại Thủy Nguyệt lâu.

– Thứ ba, mình biết Liên Thành Bích sẽ lại tìm hắn.

– Tuy chúng ta không nhận ra được hắn, nhưng chúng ta nhận ra được chó, nhận ra được Thủy Nguyệt lâu, nhận ra được Liên Thành Bích.

Phong Tứ Nương quả thật đầy tự tin, bởi vì, nàng quên mất một điều.

…. Dù có tìm được y rồi, thì làm được gì nhỉ?

Trăng thu càng lên cao, nước hồ càng lạnh, Phong Tứ Nương ngồi bên mạn thuyền, cởi chiếc hài xanh ra, đưa hai ống chân trắng như tuyết, khuấy khuấy nước.

Thẩm Bích Quân đang nhìn nàng, nhìn chân nàng, bỗng nói :

– Nghe nói chị đá chết một tên đại đạo Mãn Thiên Vân nào đó ở núi Liên Sơn?

Phong Tứ Nương nói :

– Ừ.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Chị dùng đôi chân ấy?

Phong Tứ Nương nói :

– Tôi chỉ có một đôi chân này thôi.

Thẩm Bích Quân bật cười. Nàng đã lâu lắm, lâu lắm chưa được cười, đối diện với cảnh non nước như thế này, tâm tình của nàng mới đại khái được thoáng ra.

Nàng mỉm cười nói :

– Đôi chân của chị không giống như đã từng đá chết người.

Phong Tứ Nương nhoẻn miệng cười nói :

– Tôi thích nghe người khác nói đôi chân mình dễ nhìn, nếu chị là đàn ông, tôi nhất định sẽ để chị sờ một cái.

Thẩm Bích Quân nói :

– Rất tiếc là tôi không phải…

Giọng của nàng lại hạ thấp xuống…. có phải bởi vì nàng chợt nhớ đến Tiêu Thập Nhất Lang?

…. Chỉ tiếc là chị không phải Tiêu Thập Nhất Lang.

…. Chỉ tiếc chị cũng không phải Tiêu Thập Nhất Lang.

Tiêu Thập Nhất Lang, anh đi đâu rồi vậy? Tại sao đến bây giờ còn không nghe tin tức gì?

Ánh trăng càng sáng, nụ cười của bọn họ đã ảm đạm ra.

Trên hồ vọng lại tiếng ca thanh thoát :

– Đệ nhất hồ sơn.

– Tiêu hồn nam phố.

– Niên niên thảo lục quần yêu.

– Hồ Tự tây nam, Hạnh Hoa thôn tửu liêm chiêu.

– Đông phong túy, túy tiền triều.

– Nham tiệm di, liễu ánh quan kiều.

Tiếng ca thanh diệu, trong đó còn nghe có tiếng cười như chuông ngân, người đang ca, hiển nhiên là một thiếu nữ thích cười thích điệu.

Tiếng ca và tiếng cười, chính từ giữa hồ, nơi Thủy Nguyệt lâu truyền lại.

Trên thuyền đèn đuốc huy hoàng, bóng người tấp nập, hình như có người đang mở tiệc tùng, liên hoan đến sáng.

Người này quả nhiên hào hứng quá chừng.

Phong Tứ Nương bỗng nhiên cười nói :

– Tiếc là hai hôm nữa mình phải có chuyện, không thì tôi nhất định phải lên đó, uống vài ly cho đả.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Chị biết người trên thuyền đang mời khách là ai?

Phong Tứ Nương nói :

– Không biết.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Chị không biết cả chủ nhân, còn dám lên thuyền uống rượu?

Phong Tứ Nương cười nói :

– Bất kể ông ta là ai, nhất định sẽ hoan nghinh tôi.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Tại sao?

Phong Tứ Nương nói :

– Bởi vì, tôi là đàn bà, đàn ông đang uống rượu, thấy đàn bà xinh đẹp lại, đại khái là hoan nghinh lắm.

Thẩm Bích Quân nhoẻn miệng cười hỏi :

– Hình như chị kinh nghiệm lắm?

Phong Tứ Nương cười nói :

– Nói thật chị nghe, những chuyện đó tôi làm không biết bao nhiêu lần rồi.

Thẩm Bích Quân nhìn nàng, nhìn cặp mắt sáng rỡ của nàng, nhìn cặp má lúm đồng tiền của nàng, bỗng nhiên thở nhẹ ra một hơi nói :

– Chỉ tiếc tôi không phải là đàn ông, nếu không, tôi nhất định muốn lấy chị.

Phong Tứ Nương cười nói :

– Chị là đàn ông, tôi nhất định lấy chị.

Tuy bọn họ đang cười với nhau, nhưng nụ cười vẫn mang nặng vẻ đau khổ nào đó.

Bọn họ lại nhớ đến Tiêu Thập Nhất Lang. Tiêu Thập Nhất Lang, Tiêu Thập Nhất Lang, tại sao anh làm gì để người ta muốn thoát mà cũng thoát không nổi anh, quên cũng quên không đành?

Bỗng nhiên, trên bờ có kẻ đang gọi :

– Nhà thuyền ơi, mau chèo lại đây.

Phong Tứ Nương thở ra, cười khổ nói :

– Xem ra, vận khí bọn mình không đến nỗi tệ, vừa đổi nghề, đã có mối ngay.

Thẩm Bích Quân nói :

– Chúng ta đã lỡ làm nghề này, không nên bỏ mất mối.

Phong Tứ Nương nói :

– Có lý.

Nàng nhảy dậy, đưa cây sào ra chống một cái, thuyền đã lướt đi.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Chị cũng biết chèo thuyền sao?

Phong Tứ Nương nói :

– Thập bát ban võ nghệ, tôi đều thông suốt làu làu.

Thẩm Bích Quân nhịn không nổi cười hỏi :

– Chị có gì không biết không?

Phong Tứ Nương nói :

– Có một chuyện.

Thẩm Bích Quân hỏi :

– Chuyện gì?

Phong Tứ Nương nói :

– Trước giờ tôi không biết ngại ngùng là gì.

Gọi thuyền tổng cộng có ba người.

Phong Tứ Nương vừa cười vui vẻ vừa nói :

– Nếu đem tất cả nhân vật trên chốn giang hồ sắp hàng, đưa lại trước mặt tôi, trong ba người, ít nhất tôi cũng nhận ra một người.

Nàng không phải nói dóc. Trong ba người đó, nàng nhận ra một người.

Một người cặp mắt ty hí, nhưng khí phái rất lớn, mặc trường bào, phe phẩy cây quạt, xem ra có vẻ như một thư sinh.

Ngoại hiệu của y quả có chữ thư sinh trong đó…. Yêu Mệnh thư sinh. Cây quạt trong tay y là thứ giết người.

Trong giang hồ, lấy quạt làm vũ khí không có mấy người, gã Yêu Mệnh thư sinh Sử Thu Sơn này là một tay ghê hồn nhất.

Cùng kết bạn với y, dĩ nhiên chẳng phải là tay mơ.

Tiêu Thập Nhất Lang hay thích nói :

– Người trong giang hồ, Phong Tứ Nương nhận ra mặt quá nửa, còn một nửa thì nhận ra nàng.

Nhưng ba người đó không ai nhận ra nàng, ngay cả Sử Thu Sơn cũng không nhận ra, bởi vì đêm đã khuya lắm, dáng dấp nàng lại biến đổi, bởi vì, không ai ngờ rằng Phong Tứ Nương lại làm kẻ chèo thuyền ở Tây hồ.

– Khách quan muốn đi đâu ạ?

– Thủy Nguyệt lâu.

Sử Thu Sơn nói :

– Ngươi có biết Thủy Nguyệt lâu ở đâu không?

Phong Tứ Nương thở phào ra một hơi, ở đâu khác thì nàng không biết, Thủy Nguyệt lâu, nàng đại khái cũng còn biết.

Sử Thu Sơn ngồi xuống, ngồi ngay đầu thuyền, nhìn lên nhìn xuống quan sát nàng, sau đó nhìn lom lom vào bàn chân nàng, ba cặp mắt đều nhìn lom lom vào bàn chân của nàng, Phong Tứ Nương không hề phản đối người khác khâm thưởng bàn chân của mình, nhưng bây giờ, nàng hận không thể khâu hết ba cặp mắt ấy lại, bởi vì nàng cũng biết, những cô chèo đò quanh năm làm việc lao khổ, không nên có đôi chân như vậy, nàng nhất định phải tìm cách cho họ để ý chuyện gì khác, nhưng tìm hoài không ra, cặp mắt của ba người ấy, giống như cây đinh, đóng xuống bàn chân nàng.

…. Đàn ông tại sao cứ thích đi nhìn bàn chân của đàn bà?

May mà ngay lúc ấy, trên chiếc thuyền Thủy Nguyệt lâu đèn đuốc huy hoàng đó, bỗng lại có tiếng ca vọng lại, đang ca một khúc thủy điệu của Tô Thức.

– Minh nguyệt kỷ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên.

(Trăng sáng khi nào thì có, đưa rượu ra hỏi trời xanh)

– Bất tri thiên thượng cung khuyết, kim tịch thị hà niên.

(Không biết cung cấm trên trời, hôm nay là năm nào)

– Ngã dục tùy phong quy khứ.

(Tôi muốn theo gió bay về)

– Hựu khủng quỳnh lâu ngọc trụ, cao xử bất thắng hàn…

(Lại sợ chốn lâu đài, nơi cao lạnh chịu không nổi)

Tiếng ca bi lương mà hùng tráng, đấy là giọng đàn ông. Sử Thu Sơn cười nhạt nói :

– Xem ra y cũng hào hứng quá đấy.

Một người trung niên gương mặt vàng khè nói :

– Y mời khách uống rượu từ mồng năm, tới giờ đã bảy ngày.

Gã đại hán thứ ba để râu xồm nói :

– Vì vậy tôi rất bội phục y.

Sử Thu Sơn hỏi :

– Ngươi cũng bội phục y?

Gã đại hán râu xồm nói :

– Bất kỳ ai uống rượu say mèm đã được bảy ngày, còn ca được như vậy, tôi đều phục.

Người trung niên mặt vàng khè lạnh lùng nói :

– Sao ngươi biết được y đã say mèm bảy ngày nay?

Gã đại hán râu xồm nói :

– Bởi vì tôi biết người này trước giờ đã có rượu là phải say.

Sử Thu Sơn nhìn ra xa xa nơi có ánh đèn, ánh mắt của y ra chiều ưu lự, y chầm chậm nói :

– Không biết có bao nhiêu người đàn bà lại bầu bạn uống rượu với y?

Người trung niên hỏi :

– Lần này y mời bao nhiêu người?

Sử Thu Sơn nói :

– Võ lâm anh hùng nguyên dãy Giang Nam, y đều mời hết.

Người trung niên hỏi :

– Y làm như vậy là có ý gì?

Sử Thu Sơn nói :

– Không biết.

Chủ nhân mời khách, khách lại không biết tại sao người ta mời mình, xem ra gã chủ nhân này cũng là một quái nhân.

Phong Tứ Nương tuy đang cúi đầu, ánh mắt nàng đã sáng rực lên.

…. Chủ nhân là ai?

…. Có phải là Thiên Tôn?

…. Tại sao y lại mời tất cả võ lâm hào kiệt ở Giang Nam lại? Không lẽ đây là một cái bẫy?

…. Cái bẫy giết người?

Nghĩ đến những người bị giết ở Bát Tiên thuyền, Phong Tứ Nương cơ hồ muốn kéo tay Sử Thu Sơn, kêu y đừng bước lên thuyền.

Có điều, chính nàng lại muốn bước lên thuyền, xem thử người này rốt cuộc là ai.

Trăng lên giữa hồ, người cũng ở giữa hồ, trăng trên sóng nước, người cũng ở trên sóng nước, sóng nước êm dịu tựa như ánh trăng, ánh trăng ôn nhu tựa ánh mắt người tình, ánh mắt người tình thì đã biệt tăm biệt tích.

Phong Tứ Nương thở nhẹ ra một tiếng, nàng bỗng nhiên phát hiện ra, những người đang nói chuyện bây giờ đã im miệng lại, nhưng cặp mắt lại mở lớn ra, mỗi người đang trừng mắt ra nhìn nàng, đang nhìn vào nàng, không phải nhìn chân nàng, mà nhìn vào mặt nàng, may mà trên đầu nàng còn có cái mũ rộng vành che đi mất ánh trăng.

Phong Tứ Nương cúi đầu xuống thấp hơn một tý…. mấy con mắt của đàn ông phải nên khâu lại hết đi mới phải, không chừng ngay cả miệng cũng vậy.

Sử Thu Sơn bỗng nhiên toét miệng ra cười nói :

– Tôi họ Sử, tên là Sử Thu Sơn, Sử là Thái Sử công, Thu Sơn là thu sắc đầy hồ.

Cặp mắt của y tuy nhỏ, cái miệng rất rộng, như thể một hơi có thể nuốc chửng một cái bánh bao.

Phong Tứ Nương nhịn tức, cúi đầu nói :

– Sử đại gia.

– Không phải Sử đại gia, Sử nhị gia.

Sử Thu Sơn nói :

– Đại gia là cái vị này, y họ Hoắc, tên là Hoắc Vô Bệnh.

Người trung niên mặt vàng khe gật gật đầu, Phong Tứ Nương chỉ còn nước gọi :

– Hoắc đại gia.

…. Xem ngươi có vẻ bệnh hoạn thế, tại sao lại cứ gọi là vô bệnh?

Câu đó rốt cuộc cũng nhịn lại không nói ra, tính tình của nàng hình như đã có đằm đi được một chút.

– Tôi tên là Vương Mãnh.

Gã râu xồm giành nói :

– Vương là vương bát đản, tôi là lão tam.

Phong Tứ Nương nhịn không nổi muốn bật cười lên, cái vị Vương tam gia này quả nhiên thú vị.

Nàng không cười, bởi vì Sử Thu Sơn đang hỏi :

– Cô nương họ gì, tên gì?

Phong Tứ Nương nói :

– Tôi là người chèo thuyền.

Sử Thu Sơn hỏi :

– Chèo thuyền không lẽ không có tên họ sao?

Phong Tứ Nương nói :

– Chèo thuyền không có họ có tên, các đại gia cần gì phải biết.

Sử Thu Sơn nói :

– Đã đồng thuyền với nhau, tức là cũng có tý duyên phận, tại sao không hỏi thăm nhau?

Phong Tứ Nương đánh liều câm miệng lại, nàng sợ mình mở miệng ra, lại chỉ vào mũi Sử Thu Sơn mắng lên.

…. Cái tên này thật là một gã thư sinh chết đâm, đáng ghét muốn chết đi được.

Hoắc Vô Bệnh nói :

– Đàn bà con gái, chắc là ngại ngùng không nói tên họ cho người ngoài biết.

Sử Thu Sơn nói :

– Tôi xem cô ta không có tý gì là mắc cở.

Vương Mãnh nói :

– Bất kể ra sao, người ta không nói, ngươi hà tất phải ép buộc người ta?

Sử Thu Sơn nói :

– Tôi đã lỡ hỏi, cô ta hà tất phải nhất định không nói?

Cặp mắt của y lại nhìn dính vào Phong Tứ Nương, sa sầm nét mặt nói :

– Có phải ngươi không dám nói?

Phong Tứ Nương nhịn không nổi nói :

– Không dám? Tại sao ta lại không dám?

Sử Thu Sơn nói :

– Bởi vì, ngươi sợ ta hỏi lòi ra lai lịch.

Phong Tứ Nương bật cười, nụ cười không duyên dáng tý nào.

Nàng đang cười nhạt :

– Một người đàn bà chèo thuyền, không lẽ còn có lai lịch gì không dám cho người ta biết?

Sử Thu Sơn cũng đang cười nhạt, nhìn chăm chú vào nàng hỏi :

– Ngươi quả thật là người chèo thuyền?

Phong Tứ Nương nói :

– Dĩ nhiên rồi.

Sử Thu Sơn nói :

– Ta xem ngươi không giống.

Phong Tứ Nương nói :

– Ta có chỗ nào không giống?

Sử Thu Sơn nói :

– Ngươi từ đầu tới chân không giống.

Phong Tứ Nương cắn răng cười nhạt nói :

– Nếu ta không giống chèo thuyền, ngươi cho là ta giống gì?

Sử Thu Sơn bỗng nhiên đứng thẳng người dậy, xòe cây quạt trong tay ra, phe phẩy. Bàn tay của Phong Tứ Nương cũng đã nắm chặt lại.

…. Trong ánh mắt của đàn ông, nếu có nụ cười không có hảo ý, dĩ nhiên là nàng sẽ nhìn ra.

Trong ánh mắt của Sử Thu Sơn quả có một nụ cười không hảo ý, y rốt cuộc tính làm gì đây? Phong Tứ Nương đang chuẩn bị tiên phát chế nhân, bất kể y đang tính làm gì, trước tiên đá cho y nằm xuống rồi tính sau. May mà chính ngay lúc đó, phía sau thuyền, Thẩm Bích Quân đang hô lên :

– Đến Thủy Nguyệt lâu rồi.

Phong Tứ Nương quay đầu lại, quả nhiên chiếc lâu thuyền đèn đuốc huy hoàng đang hiện ra trước mắt, chỉ cần băng người là có thể nhảy qua tới, dù là người nặng ba trăm tám chục cân nhảy qua, chiếc thuyền bên này cũng không nghiêng nổi, thậm chí ngay cả lắc còn không muốn lắc.

Đến trước mặt, Phong Tứ Nương mới biết Thủy Nguyệt lâu to lớn làm sao, đã được gọi là lâu thuyền, giữa khoang dĩ nhiên là có lầu, trên lầu dưới lầu đèn đuốc đều sáng trưng như ban ngày, tơ trúc đàn sáo, ở trên lầu vọng xuống, dưới lầu không có người, ai ai cũng tụ lại ở đầu thuyền.

Trên tấm ván thuyền ở một đầu, có ít nhất là ba chục người tụ tập, năm ba người tụ một nhóm xôn xao bàn tán, nhưng không nghe bàn tán chuyện gì.

– Những người đó tại sao không vào khoang thuyền?

Phong Tứ Nương đã không hỏi được, lại càng không ngẩng đầu lên nhìn ngang nhìn dọc được, chỉ thấy trong bụng kỳ quái.

Người mời khách là ai? Tại sao lại không mời khách vào trong khoang uống rượu, lại để cho bọn họ đứng ở đầu thuyền hóng gió?

Sử Thu Sơn còn đang nhìn nàng chăm chăm, chú ý quan sát vẻ mặt của nàng, bỗng nhiên hỏi :

– Ngươi nhảy qua được không?

Phong Tứ Nương lắc lắc đầu.

Sử Thu Sơn hỏi :

– Ngươi không muốn qua đó xem sao?

Phong Tứ Nương lại lắc lắc đầu.

Sử Thu Sơn hỏi :

– Ngươi sẽ không hối hận?

Phong Tứ Nương nhịn không nổi hỏi :

– Tại sao ta phải hối hận?

Sử Thu Sơn nói :

– Bởi vì người mời khách lần này, là một người ai cũng muốn xem mặt.

Phong Tứ Nương hỏi :

– Ai?

Sử Thu Sơn nói :

– Tiêu Thập Nhất Lang!