Chương 45: Một năm rồi không gặp
Bạn đang xem truyện online miễn phí Chương 45: Một năm rồi không gặp tại dua leo tr
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Edit: Ryal
Họ lênh đênh sáu ngày trời, cuối cùng cũng đến được Dương Châu.
Nhà họ Dương phái người ra đợi sẵn trên bến tàu, thành thử Dung Ngọc vừa ra khỏi thuyền đã lập tức được chào đón.
“Ngọc ca nhi!”.
Dung Ngọc nôn ra ngay khi vừa đặt chân xuống bến, đang gục trên tay Sở Đàn mà thở dốc, chỉ nghe được một giọng nam trong trẻo từ xa vọng lại.
Cậu ngước nhìn. Chàng thanh niên trẻ tuổi bước tới, bộ đồ tuyền một màu đen, cổ áo và ống tay áo thêu chỉ vàng, đai lưng tối màu mang hoa văn sóng nước, dáng người thẳng tắp như tùng như bách lại càng thêm nổi bật.
Ngọc bội bên hông y va vào nhau tạo thành những tiếng leng keng trầm đục, trên gương mặt tuấn tú là nụ cười rạng rỡ. Y mang khí chất phong lưu phóng khoáng đích thực của một quý công tử nhà giàu.
Mặc Thư khom lưng hành lễ: “Hoài Diệp thiếu gia”.
Dương Hoài Diệp khẽ gật đầu với nó nhưng lại chỉ nhìn thiếu niên kia, mở lời bằng giọng điệu thân thiết: “Ngọc ca nhi, cả năm trời không gặp mặt, đệ còn nhớ ta đấy chứ?”.
Dung Ngọc ngẩng đầu chào mà không cười nổi, gương mặt tái mét đầy mỏi mệt: “Diệp biểu ca, lâu rồi không gặp”.
“Sao thế này?”. Dương Hoài Diệp hoảng hốt. “Sắc mặt đệ xanh xao quá!”.
Y quay đầu nhìn Mặc Thư, giận dữ hỏi: “Nhà ngươi chăm sóc chủ kiểu gì thế kia?”.
Nó vội vàng giải thích: “Bẩm Hoài Diệp thiếu gia, không biết vì sao mà lần này công tử nhà tôi đột nhiên bị say sóng, mấy hôm nay ngày nào công tử cũng nôn rất nhiều, thầy thuốc xem bệnh nói rằng chỉ cần ra khỏi thuyền là sẽ ổn”.
Dương Hoài Diệp nhíu mày: “Say sóng? Trước giờ đệ ấy có say sóng đâu! Chắc chắn là do các ngươi hầu hạ đệ ấy không cẩn thận!”.
Dung Ngọc níu tay Sở Đàn, chầm chậm ngồi xuống xe lăn, yếu ớt hòa giải: “Biểu ca đừng trách Mặc Thư. Đệ chỉ hơi váng đầu thôi, nghỉ một lúc là sẽ khỏe”.
Dương Hoài Diệp gật đầu: “Cứ về trước đã, bà cụ nhà mình trông mong lâu lắm rồi, bà mà thấy đệ thế này thì đau lòng chết mất”.
Xe ngựa của nhà họ Dương đỗ lại ngay bên đường, khoảng chừng bốn chiếc, trên xe có đính tua vàng, xa hoa lộng lẫy không gì sánh được, kích thước còn hơn cả xe ngựa mà Dung Ngọc thường ngồi – có thể thấy nhà họ Dương đúng là giàu có vô biên.
Dương Hoài Diệp vén mành xe rồi chuẩn bị bế Dung Ngọc dậy, bỗng một đôi tay xen vào.
“Để ta”. Sở Đàn nói.
Dương Hoài Diệp không buông tay, y nhìn hắn một lượt từ trên xuống dưới, sầm mặt, có vẻ không hài lòng: “Ta?”.
Dung Ngọc lạnh nhạt liếc nhìn hắn: “Vô lễ”.
Sở Đàn cụp mắt: “Nô tài biết tội”.
“Đệ đã quen sai bảo tên nô tài này, không nên phiền biểu ca. Biểu ca hãy cứ để hắn hoàn thành bổn phận vậy”.
Dương Hoài Diệp đáp: “Được thôi”.
Y buông tay, đợi Sở Đàn bế Dung Ngọc dậy và Mặc Thư vác xe lăn lên cùng rồi mới trèo lên lưng ngựa, phất tay, cao giọng hô lớn: “Về phủ!”.
Dương Châu phồn vinh và đông đúc, hai bên đường san sát quán xá, những người bán hàng rong đâu đâu cũng có mặt, chất giọng mềm mại đặc hữu của vùng Giang Nam quanh quẩn bên tai, nhộn nhịp vô cùng.
Dung Ngọc ngồi trong xe nhắm mắt nghỉ ngơi chừng nửa canh giờ, cuối cùng sắc mặt cũng không còn trắng bệch mà hồng hào hơn đôi chút.
Giọng Dương Hoài Diệp vọng vào từ ngoài kia: “Ngọc ca nhi, tới nơi rồi”.
Nhà họ Dương bao đời làm nghề buôn bán, có tổ tiên khởi nghiệp từ triều đại trước, là dòng tộc thương nhân nổi tiếng khắp thành Dương Châu. Sau này Thái Tổ lập Đại Chu, họ quyên góp hơn nửa số của cải – chừng mấy triệu lượng bạc trắng – cho kinh thành, lấp đầy quốc khố vốn đang trống rỗng.
Cũng nhờ vậy mà nhà họ Dương trở thành dòng tộc hoàng thương được Thái Tổ đích thân khâm điểm. Mấy chục năm nay mối làm ăn của họ trải khắp Đại Chu, vàng bạc của cải nhiều không sao tả xiết.
Phủ họ Dương to lớn và đầy khí phách, rộng hơn phủ họ Dung ở kinh đô không biết bao nhiêu lần. Trong phủ có trồng hàng cây cao vút tạo cảm giác cổ kính uy nghiêm, cũng có cây cầu bắc ngang dòng suối nhỏ, mang nét tao nhã lịch sự của vùng sông nước Giang Nam kiều diễm.
Mặc Thư đẩy Dung Ngọc đi hết một khắc đồng hồ mới đến được viện chính.
Dương Hoài Diệp vừa bước vào cửa đã gọi to: “Cha, mẹ, xem con đón ai về này!”.
Y mới dứt lời, một giọng nữ lập tức vọng ra: “Ngọc nhi về rồi sao?”.
Một người đàn ông và một người phụ nữ xuất hiện, cả hai đều tỏ vẻ vui mừng: “Ngọc nhi!”.
Dung Ngọc mỉm cười: “Nhị cữu, Nhị cữu mẫu”.
“Về thật rồi này!”. Nhị cữu mẫu vừa cười vừa nói với tì nữ đứng cạnh. “Mau đi báo cho bà cụ biết đi, cục vàng cục bạc mà bà thương nhớ ngày đêm đã về rồi”.
“Hay để cháu đến bái kiến ngoại tổ mẫu vậy”. Dung Ngọc mở lời. “Đâu thể để bà đích thân tới gặp phận vãn bối”.
Nhị cữu mẫu cười tươi: “Phải phải, thằng bé này có hiếu thật”.
Nhị cữu cũng khen: “Lớn thêm một tuổi là càng thêm ngoan ngoãn, giỏi hơn thằng nhãi con chỉ biết ăn chơi nhà mình!”.
Dương Hoài Diệp cười cong cả mắt: “Dĩ nhiên Ngọc ca nhi là nhất rồi ạ”.
Họ vừa cười nói vừa cùng nhau đến Thọ An Đường, bà cụ đã nghe tin từ sớm, đang chống cây gậy đầu rồng đứng đợi ngoài cửa.
Trông thấy một bóng người ngồi xe lăn từ phía xa đi tới, bà kích động run lên, hỏi mụ hầu cao tuổi đứng cạnh: “Có phải Ngọc nhi của ta chăng?”.
Mụ Trần đỡ lấy bà cụ: “Đúng là Ngọc ca nhi rồi! Ôi bà ơi, bà cẩn thận, chậm lại đã!”.
Bà cụ vội vàng ra đón. Trông thấy mái tóc bạc phơ và gương mặt hiền hậu, Dung Ngọc chỉ thấy trái tim mình như được ngâm trong nước ấm, nóng cháy và căng đầy.
Cậu thấy rất lạ, cảm xúc ấy đến từ đâu? Có phải vì sự gần gũi với bà cụ từ sâu thẳm tâm hồn?
“Mặc Thư, dìu ta dậy dập đầu với ngoại tổ mẫu”.
Mặc Thư đỡ Dung Ngọc quỳ xuống. Dung Tu Vĩnh từng trách mắng và ép cậu tới từ đường quỳ lạy tổ tiên, Dung Ngọc nhất quyết không nghe, thậm chí còn buông lời đe dọa sẽ đốt từ đường để uy hiếp lão. Vậy mà giờ đây cậu lại tự nguyện dập đầu trước bà cụ.
Cậu quỳ xuống, cung kính vái lạy một lần rồi hô to: “Ngọc nhi xin bái kiến ngoại tổ mẫu”.
Bà cụ rơi nước mắt, vội vàng đỡ cậu dậy: “Con ngoan, con ngoan, sao con lại gầy thế này? Mau ngồi dậy để ngoại tổ mẫu nhìn con đi”.
Vành mắt Nhị cữu mẫu cũng đỏ ửng, bà cười: “Cụ ơi, cụ có thương Ngọc nhi thì cũng đừng để chúng con ở ngoài này chịu gió chịu rét chứ. Đợi vào phòng rồi cụ ôm cháu nó sau cũng được”.
Câu nói ấy khiến bà cụ nín khóc, bà liếc nhìn con dâu rồi cười mắng: “Nghịch ngợm!”.
Sắp vào tháng sáu, tiết trời Dương Châu đã nóng nực hơn hẳn. Phòng bà cụ có bày bàn thờ Phật, mùi đàn hương rất đậm khiến người ta an lòng.
Mọi người lần lượt ngồi xuống, Dung Ngọc an tọa bên bà cụ. Bà nắm chặt lấy bàn tay cậu rồi nhìn cậu một lượt thật kĩ càng từ trên xuống dưới.
“Sao Ngọc nhi ốm quá, gầy đi nhiều quá, chẳng lẽ trên đường tới đây con ngã bệnh?”.
Mặc Thư khom người đáp: “Bẩm cụ, công tử nhà con bị say sóng nên mấy ngày nay ăn ngủ không yên”.
Bà cụ sốt ruột: “Sao đang yên đang lành mà lại say sóng? Trần Chi, mau gọi người mời thầy thuốc đến đây!”.
Mụ Trần đáp dạ, sai một tên hầu tay chân nhanh nhẹn ra khỏi phủ mời thầy thuốc.
Dung Ngọc nắm tay bà cụ mà khuyên can: “Ngoại tổ mẫu đừng lo, con nhờ thầy thuốc khám bệnh rồi, thầy thuốc nói không sao cả. Từ lúc xuống thuyền con cũng đã thấy ổn hơn”.
Sao mà bà cụ không lo cho được? Đây là đứa con duy nhất của con gái bà, từ nhỏ đã ốm yếu nhiều bệnh, bốn năm trước gặp thổ phỉ trên núi, vừa mất mẹ lại vừa mất đôi chân, vận mệnh không tốt lành – sao mà bà cụ không thương cho được?
Bà cụ nhìn gương mặt giống hệt mẹ của Dung Ngọc, lại nhớ tới đứa con gái đáng thương, càng lúc càng thấy lòng mình đau xót. Nó lấy chồng ở nơi kinh đô xa xôi ngàn dặm, bị Dung Tu Vĩnh lạnh nhạt bỏ bê, cuối cùng lại bỏ mạng trong tay đám cướp giữa chuyến đi về nhà mẹ đẻ mỗi năm chỉ có một lần.
Bà kéo tay Dung Ngọc, nước mắt tuôn rơi: “Tên Dung Tu Vĩnh kia đáng bị chém ngàn đao, hắn dám cưng chiều vợ bé mà ruồng rẫy vợ cả, ắt sẽ có ông trời phạt nặng! Chỉ thương Ngọc nhi của ta phải chịu nhiều uất ức”.
Dung Ngọc thấy lòng mình ấm áp, không kìm được mà dùng khăn lau nước mắt cho bà: “Con về với ngoại tổ mẫu rồi đây, ngoại tổ mẫu phải thương con thật nhiều chứ”.
“Tất nhiên cụ thương cậu nhất rồi ạ”. Mụ Trần vừa cười ha ha vừa bưng đĩa đặt xuống bàn. “Từ lúc biết tin ca nhi muốn về là bữa nào phòng bếp nhỏ của cụ cũng làm món bánh sữa bò đợi sẵn đây, chỉ sợ ca nhi không được ăn bánh mới”.
“Ngọc biểu ca về rồi, con được ăn chưa?”. Nghe tiếng mà chẳng thấy người, một giọng con gái nhỏ tuổi trong vắt vang lên.
Chốc lát sau, bóng dáng yểu điệu thướt tha trong làn váy xanh biếc xuất hiện ngoài cửa. Thiếu nữ mười sáu tuổi xuân, mắt hạnh má đào, nét khuynh thành mai sau đã dần lộ rõ.
Dương Thanh Linh bước tới, mỉm cười chào Mặc Thư đang đứng nghiêm chỉnh, đến lúc thấy Sở Đàn thì hai mắt sáng như sao, đôi chân khựng lại.
Nghe thấy tiếng ho khan của mẹ, nàng mới vội vã bước vào phòng, cười khanh khách: “Linh Nhi xin thỉnh an tổ mẫu, chào phụ thân, mẫu thân, ca ca, và…”.
Đôi mắt hạnh xinh xắn nhìn Dung Ngọc, mặt Dương Linh Nhi đỏ bừng, nàng mím môi nói nốt: “Ngọc biểu ca”.
Dung Ngọc gật đầu đáp lễ: “Biểu muội”.
Bà cụ cười trêu: “Ở đây có hai đĩa bánh sữa bò, Ngọc biểu ca của con chắc chẳng ăn được mấy miếng, còn lại hết nửa bàn là chui vào bụng con”.
Dương Thanh Linh thoáng trợn mắt, nhướng mày, bĩu môi: “Tổ mẫu cứ nói linh tinh, con đâu có ăn nhiều đến thế? Dạ dày người ta nhỏ lắm chứ bộ”.
Dứt lời, nàng ngượng nghịu liếc nhìn Dung Ngọc.
Điệu bộ gái lứa xuân thì ấy khiến mọi người cười vang.
Đám hạ nhân cũng cười. Khắp phòng chỉ có Sở Đàn không vui, mặt hắn đầy vẻ hậm hực, đôi ngươi cụp xuống bắt đầu u ám hẳn, cằm giương ra, đường nét sắc bén, hệt như đang nghiến răng nghiến lợi.
Mặc Thư lén lút lườm hắn.
Xem cái tên ghen tị thành thói kia đi, mới thế đã không chịu nổi, đợi Hoài Cẩn thiếu gia tới đây thì chắc chắn hắn sẽ tức chết.
Nó vừa thoáng nghĩ mà người kia đã xuất hiện. Tiếng bước chân vội vã vang lên, đôi giày đen và một góc áo trắng lọt vào tầm mắt Sở Đàn, hắn ngước nhìn, trông thấy dáng người dong dỏng cao tựa trúc.
Chàng trai trẻ mới chỉ vừa đôi mươi, gương mặt tuấn tú, trên mắt trái có đeo kính gọng vàng nối với một sợi dây xích giắt sau tai.
Thế nhưng điểm thu hút nhất của chàng chẳng phải ngoại hình khôi ngô đẹp đẽ, mà là khí chất thư sinh thanh khiết và văn nhã như ngọc.
Chàng vội vã bước tới, hai tay ôm sách, nét mừng rỡ và cả lo âu hiển hiện nơi khóe mắt đuôi mày.
Sở Đàn chưa bao giờ cảm nhận được sự uy hiếp rõ rệt đến thế.
Nhìn thấy chàng trai, bà cụ mỉm cười hiền hậu: “Hoài Cẩn tới rồi”.
Dương Hoài Cẩn cung kính cúi người: “Cháu xin bái kiến tổ mẫu”.
Dương Hoài Diệp ngả người ra sau, chậm rãi cất lời: “Sao Nhị ca vẫn còn ôm sách thế kia? Chẳng lẽ vừa tan học huynh đã chạy về?”.
Dương Hoài Cẩn năm nay hai mươi mốt tuổi, là con trai thứ của đại phòng nhà họ Dương. Ba năm trước chàng đã đỗ kì thi Hương, sau đó tiếp tục khổ luyện hai năm để mùa xuân tới đây sẽ tham gia kì thi Hội và thi Đình.
Chàng là người duy nhất của nhà họ Dương theo nghiệp đèn sách, cũng là niềm hi vọng của cả dòng tộc. Dù nhà họ Dương có giàu đến mấy thì thứ tự sĩ nông công thương xưa nay vẫn muôn đời không đổi, thương nhân vẫn ở vị thế thua kém người đời, thường gặp nhiều hạn chế.
Nhưng nếu Dương Hoài Cẩn đỗ đạt thì thân phận của nhà họ Dương sẽ rất khác.
Dương Hoài Cẩn nhìn Dung Ngọc ngồi cạnh tổ mẫu mình, cười nhẹ: “Con nghe Bình An nói Ngọc ca nhi đã tới nên tan học là về ngay”.
Bình An là thư đồng của Dương Hoài Cẩn.
Trên trán chàng lấm tấm mồ hôi, hai mắt sáng rỡ, vừa nói vừa thoáng thở dốc, quả thực rất vội vàng.
“Một năm rồi không gặp, chẳng biết sức khỏe của biểu đệ đã khá hơn chưa?”.
Dung Ngọc còn chưa kịp đáp, một tiếng động bỗng vang lên.
Mọi người đều quay ra ngoài cửa, chỉ thấy một người ôm ngực rồi chầm chậm ngã xuống.
Đích thị Sở Đàn chứ không phải ai khác.
Dung Ngọc nheo mắt: “Hắn sao thế, Mặc Thư?”.
Mặc Thư ngớ người: “Hắn, hắn ngất rồi ạ…”.
Bà cụ gặng hỏi: “Đó là người hầu của con sao?”.
Dung Ngọc gật đầu: “Hắn từng bị chém trong lúc bảo vệ con, hẳn vết thương đó gặp phải chút vấn đề”.
Giọng cậu thản nhiên, những ngón tay lại âm thầm siết chặt: “Xin ngoại tổ mẫu hãy cho người đưa hắn ta về viện của con và mời thầy thuốc đến xem thử”.
Bà cụ vừa nghe chuyện đã vội vàng sai người tới giúp.
“Mặc Thư, lại đây đẩy xe cho ta”. Dung Ngọc hành lễ. “Thưa ngoại tổ mẫu, Nhị cữu, Nhị cữu mẫu, các biểu ca biểu muội, con xin phép cáo từ”.
Lời tác giả:
Mặc Thư *không tin được vào mắt mình*: Em cũng chịu cậu ơi, hắn vừa nhắm mắt đã xỉu rồi!
Ryals note: Vì đã đỗ xét tuyển sớm đại học rồi nên khung thời gian của mình đã thoáng hơn, mình sẽ tranh thủ cập nhật nhiều hơn nhé (*/ω\*) Dĩ nhiên ngày 28 thì mình sẽ không cập nhật để đi thi tốt nghiệp nha, ngày 29 nếu thi buổi sáng xong mà rảnh rỗi thì mình sẽ cân nhắc.
-
Dua leo tr là trang đọc truyện chữ online cập nhật liên tục chất lượng nhất và miễn phí cho mọi người.
-
Tele: @marksmanApple
© Copyright 2024 - Bản quyền thuộc về Dưa leo tr - Made with ❤️