Chương 27: Cố Nhân
Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 27: Cố Nhân tại dua leo tr
Trần Thanh đứng cạnh tôi, nghiêng đầu hỏi nhỏ: “Nàng vào đó một mình…!không sao chứ?” Tôi gật đầu, đoạn đưa tay lên vỗ về trái tim đang đập mạnh liên hồi.
Hồ Nguyên Đức theo cái phất tay của Trần Thanh, mở khóa căn phòng thẩm vấn Tống Chí Khiêm.
Tôi bước vào, bắt gặp đôi mắt thâm quầng của hắn đang chăm chú nhìn tôi.
Cố gắng tỏ ra thật lạnh lùng, tôi kéo ghế ngồi xuống, mặt đối mặt với Tống Chí Khiêm.
Mắt hắn đảo về phía cửa, rồi chuyển về tôi, soi xét, đánh giá.
Mất một lúc lâu, tôi và hắn chỉ duy trì trạng thái đấu mắt như vậy.
Không biết mục đích của gã là gì? Đúng là tò mò muốn chết mà.
“Rốt cuộc vì lý do gì mà muốn gặp riêng tôi?” Tống Chí Khiêm phì cười, nhún vai: “Ta chỉ muốn gặp con ả cuối cùng mình bắt được mà thôi.” Thằng nhãi này, vào tù rồi mà vẫn muốn trêu đùa ông đây.
Còn chưa biết nên đáp lại thế nào thì hắn lại lên tiếng: “Bắt ngươi…!cũng khiến ta bị bắt.” Tống Chí Khiêm hất đầu ra phía cửa, gằn giọng: “Ngươi và hắn có quan hệ gì?” Hắn? Hồ Nguyên Đức? Hẳn người mà Tống Chí Khiêm muốn nói đến chính là Trần Thanh.
Anh đã cứu tôi từ dưới căn hầm của Tống Chí Khiêm lên, thậm chí còn đạp đổ bàn thờ Thần giữ của ngay trước mắt hắn.
Nhưng vì sao Tống Chí Khiêm lại hỏi đến Trần Thanh? Hắn biết anh hay sao? Tôi vắt chéo chân, đáp: “Liên quan quái gì tới ngươi nhỉ?” Trước khi bước vào căn phòng này, tôi đã dặn bản thân phải thật bình tĩnh để đối mặt với thằng cha này, như vậy mới có thể bắt hắn khai ra mục đích phạm tội.
Nhưng thấy khuôn mặt Tống Chí Khiêm, điệu bộ biết sai mà không nhận này, tôi chỉ cảm nhận được lửa giận đang bùng cháy trong lòng.
Thật muốn đạp cho hắn một phát.
“Triệu Ý Tâm…!là gì của ngươi?” Nghe thấy cái tên này, Tống Chí Khiêm bỗng trừng mắt nhìn tôi.
Tốt, đã tỏ thái độ rồi.
Tôi tiếp tục suy đoán: “Có lẽ là một người rất quan trọng với ngươi, khiến ngươi bị ám ảnh mãi không thôi…” Vừa nói, tôi vừa quan sát biểu hiện trên mặt Tống Chí Khiêm.
Mày nhíu chặt, miệng run run như muốn nói lại thôi.
“Là…!người trong lòng, không lấy được nhau? Là em gái hàng xóm?” Tống Chí Khiêm hừ nhẹ.
Tôi tự lắc đầu, lại nói: “Hẳn là mẹ ngươi.” Trong mắt hắn ánh lên một thứ ánh sáng dị thường.
Quả là như vậy.
Tôi cụp mắt, hít một hơi dài.
Triệu Thị Mai, Triệu Thùy Oanh, Bùi Thiên Ý, Phan Ý Linh, Triệu Lan, Đỗ Khiết Tâm,…!và tôi – Đoàn Niệm Tâm.
Chỉ tùy tiện nhặt những điểm giống nhau giữa những cái tên này, ghép lại thành Triệu Ý Tâm.
Đây hoàn toàn là một cú “đoán bừa” không thể dễ dàng hơn của tôi và Trần Thanh.
Cả hai chúng tôi đều gạt nó đi vì nghĩ rằng lý do lựa chọn nạn nhân như vậy quá đơn giản.
Nhưng nhìn cách Tống Chí Khiêm phản ứng lại, thì có lẽ thực tế hắn cũng không quá thông minh như tôi suy đoán.
Tuy nhiên, cũng không thể phán xét bất kỳ điều gì qua một khía cạnh duy nhất.
Tôi nở nụ cười: “Đã ăn sáng chưa?” Tống Chí Khiêm tỏ ra khá bất ngờ khi tôi đột ngột chuyển đề tài.
Hắn do dự chốc lát rồi gật đầu.
“Sáng nay ta ăn hai cái bánh rán.
Ngươi ăn gì?” Hắn nhíu mày: “Cháo trắng, còn có thịt băm.” “Mùi vị thế nào?” Tống Chí Khiêm cười lạnh.
“Ngươi đang hỏi ta về đồ ăn trong ngục đấy à?” Tôi cười cười gật đầu.
Mí mắt hắn giật giật rồi cũng thành thực trả lời: “Không tệ, nhưng thịt hơi mặn.” Không chờ lâu thêm, tôi lập tức hỏi tiếp: “Ngươi bắt cóc các thiếu nữ về đích thực là để làm Thần giữ của?” “…!Không phải.” – Tống Chí Khiêm không trả lời ngay.
Có khác gì thừa nhận đâu? Tôi mím môi, nói: “Chỉ là hơi qua loa và thiếu quá nhiều thứ, thảo nào không thành công.
Lại hại chết nhiều người đến vậy.”Tống Chí Khiêm hơi nghiêng đầu, như nhớ lại điều gì.
Hắn lẩm bẩm: “Không thể nào…!hắn đã đảm bảo…” Thấy tôi cúi người nghe, hắn lại im bặt.
Tôi hất hất đầu: “Ai? Ai đảm bảo điều gì?” “Không có gì.” Tống Chí Khiêm quay mặt đi.
Càng nói chuyện với tên này, tôi lại càng cảm thấy hoang mang.
Tống Chí Khiêm…!với tội ác đã gây ra, hắn đáng ra phải là một con người thông minh, tàn nhẫn mới đúng.
Vì sao mỗi câu nói, mỗi biểu cảm của hắn khi đối diện với tôi lại có thể đầy sơ hở như vậy? Hay là…!hắn đang đùa giỡn tôi? Thế thì cũng quá đẳng cấp rồi.
Thử đổi cách khác xem sao.
Tôi hỏi dò: “Thế ngươi có muốn biết tình hình của Thục Đoan không?” Ngay khi nghe tới cái tên Thục Đoan, khóe miệng Tống Chí Khiêm hơi nhếch lên nhưng khóe mắt lại trĩu xuống.
Một biểu cảm rất mâu thuẫn.
Hắn vừa khinh rẻ, lại vừa tiếc thương cho Thục Đoan.
Tống Chí Khiêm không trả lời, chỉ cụp mắt xuống.
Đây cũng không phải là từ chối.
Tôi ngồi thẳng lưng, tỏ ra nghiêm túc: “Thục Đoan từng giết người, ngươi biết chứ?” Khuôn mặt Tống Chí Khiêm vẫn bình thản, có thể thấy những chuyện trước đây của Thục Đoan, hắn đều biết.
“Cô ta cũng là tòng phạm, che giấu việc bắt cóc và hãm hại các thiếu nữ mà ngươi gây ra.” Hắn nhàn nhạt đáp.
“Đúng vậy.” Hoàn toàn không có ý muốn bảo vệ Thục Đoan, dù chỉ một chút.
“Tuy nhiên…!vì thành khẩn khai báo nên đã được miễn tử hình.” Tôi cố gắng kéo dài chữ, quan sát Tống Chí Khiêm thật kỹ.
“Chỉ phải chịu Lưu hình.
Năm mươi roi, thích sáu chữ vào mặt, lưu đi xứ Hà Hoa.” “Phạm tội thì phải chịu trừng phạt.” Cảm giác như Tống Chí Khiêm đã hoàn toàn xuôi xị, hắn thản nhiên nói.
“Như vậy, ngươi nhận tội rồi?” “Ta chưa từng nói là mình vô tội.” Đúng, hắn chưa bao giờ phủ nhận tội trạng của mình, nhưng cũng không hề thừa nhận.
Nghiêm hình đã được sử dụng, nhưng hắn một câu cũng không nhận khiến cả phủ Kiểm Pháp phải bó tay.
Thực tế, với hình luật của thời Trần, do đã bắt tận tay day tận mặt Tống Chí Khiêm và với sự chứng kiến của nhiều người như thế thì cũng đủ để chịu tử hình rồi.
“Còn Thần Giữ Của?” “Ta không muốn tất cả tài sản mà mẹ từng vất vả kiếm được lại rơi hết vào tay mẹ con chúng.” Tôi im lặng, quyết định không nói thêm nữa.
Mọi thứ coi như đã sáng tỏ.
Phía phủ Kiểm pháp điều tra về thân thế của Tống Chí Khiêm, hắn vốn là con vợ lẽ nhà họ Tống bán vải phía đông kinh thành chứ không phải là quan lại gì trong triều.
Gia đình hắn khá phức tạp, mẹ cả qua đời sớm, cha rượu chè ngày đêm, cả hàng vải là một tay mẹ hắn gây dựng.
Năm Tống Chí Khiêm lên sáu, mẹ hắn mắc bệnh nặng mà qua đời.
Khi ấy, gia đình cũng đã làm ăn khấm khá hơn rất nhiều, cha hắn không nói hai lời liền lấy thêm người vợ thứ ba, thứ tư, rồi cả thứ năm.
Mấy cô vợ lẽ này rất mắn đẻ, trong hai năm tiếp theo sinh liền tù tì mấy đứa con, đủ nếp đủ tẻ.
Không cần nói cũng đoán được, cuộc sống của Tống Chí Khiêm khổ sở biết bao.
Tuy rằng hắn đã nhận tội, nhưng trong lòng tôi vẫn lấn cấn đủ đường.
Còn biết bao điểm đáng ngờ, nhưng tôi không thể nghĩ ra cách nào để khiến hắn trả lời.
Ví như, biểu hiện của hắn hiện tại hoàn toàn không phù hợp với một sát nhân liên hoàn tàn bạo, thông minh.
Cứ cho là kẻ giúp hắn trực tiếp xuống tay với các nạn nhân là Đặng Bá, nhưng để có thể tung hoành ngang dọc tại kinh thành, phạm tội liên miên suốt mấy tháng trời mà không bị bắt như vậy thì không thể là một kẻ bình thường được.Hoặc, ví như Tống Chí Khiêm hỏi về mối quan hệ giữa tôi và Trần Thanh là có ý gì? Vẫn còn đang suy nghĩ mông lung, chưa biết nên nói gì tiếp theo thì Tống Chí Khiêm đứng dậy, đập cửa.
Đến khi bước ra khỏi cánh cửa lớn phủ Kiểm pháp, tôi vẫn không thể ngờ được cuộc nói chuyện giữa tôi và Tống Chí Khiêm đã kết thúc như vậy.
Đơn giản một cách sững sờ.
Không đấu trí, không mỉa mai.
Tống Chí Khiêm đã điểm chỉ nhận tội, đoán chừng một tháng sau sẽ bị xử lăng trì.
Cái kết này cũng chẳng thể xoa dịu nổi nỗi đau của những gia đình đã mất con.
“Khiết Tâm đã cố gắng bảo vệ Tống Chí Khiêm, nàng có biết không?” Trần Thanh đi cạnh tôi, nhàn nhạt nói.
Tôi lơ đãng đáp lời: “Chắc con bé mắc chứng Stockholm…” (1) “S…!cái gì?” Tôi giật mình, mỉm cười: “Khi bị nhốt dưới hầm cùng Khiết Tâm, tôi có dò hỏi về Tống Chí Khiêm vài lần nhưng đều không nhận được câu trả lời, con bé lúc nào cũng lảng tránh…!Hẳn là Đỗ Khiết Tâm có tình cảm với hắn? Nghe nói còn được hứa hôn?” “Tình cảm thì có, hứa hôn thì không.
Nàng nghĩ một người kiêu ngạo như Đại hành khiển lại chịu để con gái yêu của mình lấy một kẻ không tài không phận? Là tin đồn nhảm mà thôi.” Tôi nhướn mày nhìn Trần Thanh hồi lâu, bị ánh nắng phía sau lưng anh chiếu thẳng vào mắt.
Anh chạm vào vai tôi thật nhẹ, khẽ nói: “Đi thôi.” Khi chúng tôi rời khỏi an phủ thì cũng mới qua giờ Tỵ (hơn mười một giờ trưa), đường phố kinh thành đã vãn người qua lại.
Theo quan niệm dân gian từ xưa, người ta tránh ra đường vào giờ Ngọ, đặc biệt là giờ Ngọ ba khắc (mười hai giờ trưa).
Nghe nói vào thời điểm này, “quan quân” đi tuần đổi ca, ma quỷ lộng hành.
Trẻ con không ngoan ngoãn ở trong nhà sẽ bị bắt vía, trở nên ngốc nghếch.
Nhớ ngày trước, tôi hay dùng lý do này để dọa dẫm đứa cháu bên nội, bắt nó ngủ trưa còn mình rảnh tay đọc truyện tranh.
Cũng mới chỉ cách đây vài ba năm, mà cảm giác như đã qua một đời.…!Sắp tới tiết Xứ Thử (2), cây thay lá, trời đổi màu, như phủ một thứ màu tối tăm lên cả kinh thành tráng lệ.
Cái nóng bức của mùa hạ hoàn toàn đã bị đẩy lùi, gió mát vờn quanh, đêm đến thậm chí còn thấy lạnh lẽo.
Tôi chỉnh lại tay áo nhàu nhĩ, im lặng sải bước cùng Trần Thanh.Bằng cách nào đó, cuộc nói chuyện với Tống Chí Khiêm đã khiến tâm trạng của tôi tụt dốc không phanh.
Có lẽ, là do còn quá nhiều điều ẩn giấu, quá nhiều đáng ngờ.
“Khi nãy…!Tống Chí Khiêm hỏi về quan hệ giữa tôi và anh.” Tôi lên tiếng.
“Hử?” Trần Thanh nghiêng đầu, tỏ ra ngạc nhiên.
Tôi đem cả sự nghi ngờ về một người bí ẩn đứng sau giật dây Tống Chí Khiêm cho Trần Thanh, coi như mình rảnh nợ.
Anh ậm ừ, tiếp nhận thông tin một cách bình thản.
Trần Thanh đưa tay lên, khẽ gạt sợi tóc vương trên trán tôi.
Ngón tay mảnh khảnh lướt qua, tựa như giật mình mà hạ xuống, đụng nơi chóp mũi.
Người tôi như có kiến bò, vội vã né tránh.
“Ta đưa nàng tới một nơi.” Anh ho húng hắng.
Tôi liền mỉm cười: “Đến gặp người mà anh nhắc tới ban sáng à?” “Đúng vậy.” Anh gật đầu.
Căn nhà nhỏ phía Đông thành, có khoảng sân rộng, lại có vườn trồng rau.
Phía trước nhà là một cây đa cổ thụ, thân to bằng ba bốn người đàn ông, gió đến cành lá reo hò.
Tôi tưởng tượng một chiều mùa hạ, ngồi dưới gốc cây đọc sách, dễ chịu biết bao.
Cánh cổng khép hờ, Trần Thanh không gõ cửa mà trực tiếp đẩy cửa bước vào.
Tôi xách váy chạy theo không kịp.
Hừ, cậy chân dài đây mà.
Giữa khoảng sân rộng là một người đàn ông chừng hơn bốn mươi tuổi, bình thản ngồi trên chõng tre mà châm trà.
Trông dáng vẻ này…!có chút quen thuộc.
Khuôn mặt hiền hòa, nét cười thoáng qua.
Trần Thanh dẫn tôi hùng hổ tiến đến gần, ngang nhiên ngồi xuống phía bên kia chõng tre, lại vời tôi ngồi xuống bên cạnh.
Được rồi, xem anh muốn làm trò gì nào.
“Có đồ ăn không?” “Đã chuẩn bị xong được một lát rồi, chỉ chờ cậu tới.” Nghe vậy, Trần Thanh tỏ ra khá hài lòng.
Người đàn ông kia châm thêm một chén trà, kính cẩn đưa cho Trần Thanh.
Anh nhấp một ngụm nhỏ, khen ngợi: “Hương thơm dịu dàng, vị đắng vờn quanh, nuốt xuống lại thấy ngọt ngào.
Trà ngon!” Người đàn ông bật cười: “Chỉ là một ấm trà nụ sen, cũng không đặc biệt đến vậy.” Tôi nhận từ y một chén trà, nhấp thử, chỉ thấy đắng ngắt.
Tâm tưởng không tinh tế như người xưa, tôi cũng đành chịu thôi.
Giá mà bây giờ có cốc trà sữa trân châu thì tốt nhỉ? “Lời này sai rồi.” Trần Thanh cười cười: “Tặng quân thiên lý viễn.
Tiếu bả nhất bình trà.” (3) Người đàn ông gật gật đầu, tỏ vẻ đồng ý.
Y mím môi, tiếp thơ Trần Thanh: “Phú quí phù vân trì vị đáo Quang âm lưu thủy cấp tương thôi Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi” (4) Tôi khẽ giật mình, chợt nhớ đến bài thơ Cảnh Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà mình được học hồi cấp 3 với những câu thơ kinh điển: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn, người đến chốn lao xao.” Hay “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
Ý thơ cũng chẳng khác là mấy.
Tôi liếc nhìn Trần Thanh, khuôn mặt anh như bị phủ bởi một tầng sương lạnh, nét cười không còn nữa.
Bỗng chốc bầu không khí xung quanh giảm xuống mấy phần, khiến người ta không rét mà run.
Đây vốn là một cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông, tôi không tiện xen vào, đành ngửa mặt lên nhìn trời nhìn đất, thả hồn suy nghĩ thật xa.
Cũng phải mất một lúc sau, người đàn ông kia mới lên tiếng: “Tiểu thư đây là…” Tôi nhanh nhảu đáp: “Tôi là bạn của anh Thanh.” Mắt y như phát sáng: “Ồ?” “Tên tôi là Niệm Tâm, em trai tôi là Đoàn Nhữ Hài.
À mà chắc cũng không quen nhau đâu nhỉ…” “Niệm Tâm?” Người đàn ông lặp lại lần nữa, giọng nói vẫn nhàn nhạt, không mang một sắc thái đặc biệt nào.
Lần này là Trần Thanh trả lời: “Đúng vậy.” Khóe miệng cười đàn ông kia hơi nhếch lên, nửa cười nửa không.
“Ra là vậy…” Y không nói với chúng tôi, y là đang tự nói với chúng mình.
Tôi nhíu mày, mỗi câu hai người này nói đều như ẩn chứa một bí mật, tầng tầng lớp lớp.
Tôi vốn không chịu nổi tò mò, thật là khó chịu.
“Còn…!ông chú đây là…?” Trần Thanh phun trà ra khỏi miệng, người đàn ông thì bật cười ha hả.
“Lần đầu tiên ta được gọi là ông chú, thật mới lạ!” Thì tôi cũng không biết nên xưng hô sao cho phải, đành nói bừa mà thôi.
Trần Thanh hắng giọng, nhìn tôi đáp: “Đây là Hàn lâm học sĩ phụng chỉ Nguyễn Tái.” Tôi ngẩn người, không khỏi liếc nhìn y.
Nguyễn Tái nở nụ cười hiền hậu, gật đầu với tôi.
Nguyễn Tái, là người năm đó tôi đã từng trêu đùa.
Là người cùng tôi nói chuyện, dỗ dành Trần Thuyên.
Cuối cùng tôi đã được gặp lại một người bạn cũ đúng nghĩa.
Đã gần cả thập niên trôi qua kể từ ngày ấy, năm tháng dường như chẳng hề để lại vết tích trên khuôn mặt sáng ngời của y.
Vẫn phong thái ấy, dường như y vẫn là một Nguyễn Tái ngại ngùng khi bị tôi đòi thơ.
Còn tôi, dù vẫn mang cái tên Niệm Tâm nhưng lại chẳng còn là thiếu nữ năm ấy nữa rồi.
Nguyễn Tái…!ngài có hay gặp Trần Thuyên không? Trần Thuyên bây giờ…!sống có tốt không? Liệu đã quên tôi chưa? Bao lời muốn hỏi đều phải nuốt ngược vào, lồng ngực tôi chua xót.
Nguyễn Tái không để ý tới biểu cảm của tôi, cười châm thêm trà: “Cũng chẳng được bao lâu nữa.” Trần Thanh cười khổ, giải thích với tôi: “Học sĩ đã hai lần dâng biểu từ quan.” Tôi gật đầu, điều này tôi cũng biết.
Hiện quan gia còn chưa chấp thuận, nhưng chỉ chừng vài năm nữa thôi, Nguyễn Tái sẽ rời bỏ chốn quan trường mà xuất gia, trở thành Huyền Quang thiền sư – cũng là Tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
…!(1) Hội chứng Stockholm: Là thuật ngữ miêu tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể đến mức bảo vệ và phát triển những phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc.
(Theo Wikipedia) (2) Tiết Xử Thử: Là một trong 24 tiết khí của lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản – cũng là tiết khí thứ 2 của mùa Thu, nó có nghĩa là “Hết nóng bức”.
(3) Có nghĩa: “Tặng bạn xa ngàn dặm.
Cười dâng một bình trà.” – Thơ của Viên Chiếu Thiền Sư, được chép trong “Trà Kinh” của Vũ Thế Ngọc.
(4) Có nghĩa: “Giàu sang đến chậm tựa mây trôi Năm tháng nước chảy, khi nào rời? Chi bằng về ẩn nơi rừng suối Một sập gió thông, một chén trà.” Bài thơ Tặng sĩ đồ tử đệ của Huyền Quang thiền sư..
Đã hết chap rồi. Mời các tình yêu đọc sang chap tiếp theo của truyện nào.
-
Dua leo tr là trang đọc truyện chữ online cập nhật liên tục chất lượng nhất và miễn phí cho mọi người.
-
Tele: @marksmanApple
© Copyright 2024 - Bản quyền thuộc về Dưa leo tr - Made with ❤️