Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Đăng nhập Đăng ký

ĐĂNG NHẬP

Quên mật khẩu

QUÊN MẬT KHẨU

ĐĂNG KÝ MỚI

Tên người dùng:
Mật khẩu:
Email:
Dưa leo tr Trang chủ Khác Quỹ Đạo Đơn Phương Chương 7: Mùa hè của cô ấy (7)

Chương 7: Mùa hè của cô ấy (7)

9:24 sáng – 01/09/2024

Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 7: Mùa hè của cô ấy (7) tại dualeotruyen. 

Ngày đầu tuần mới, mưa rơi tầm tã.

Mưa đúng vào dạo thu nên trời cứ như đang trút nước. 

Đến giờ tan học chiều hôm mưa mới tạnh hẳn nhưng trên nước đọng thành từng bãi nước suốt dọc đường về.

Trường họ lại nằm chỗ trũng, nước dâng đến cả bắp chân người ta.

Mà đã thế, nếu muốn rời trường thì bắt buộc phải lội nước để đi.

Nhiều học sinh cởi giày, tất, xắn quần đồng phục học sinh, đi chân trần xuống nước. Đương nhiên, cũng có người thủng thẳng xuống lội nước mưa mà chớ hề xoắn quần cởi giày gì sất.

Cha Tư Ngưng chạy xe đến tận cổng trường, lội nước đến đón rồi cõng Tư Ngưng đi về phía ông đậu xe.

Tư Ngưng nói với cha mình: “Cha chờ con tí, chở bạn con về nữa.”

“Niệm Niệm ơi,” Cô nàng gọi với, “Cậu đến đây nè, cha tớ chở hai đứa mình về.”

Thư Niệm lắc đầu nguầy nguậy: “Không cần đâu mà, tớ đi xe buýt về nhà cho tiện.”

“Nhưng mà…” Tư Ngưng còn chưa nói hết, Thư Niệm đã mỉm cười vẫy tay với cô nàng: “Tớ tự lo được mà, cậu mau về với chú đi, trời này lạnh lắm, lội nước mưa dễ cảm.”

Tư Ngưng không lay chuyển được Thư Niệm, đành phải về với cha.

Tư Ngưng đi rồi, Thư Niệm đứng trên bậc thềm trước khu lớp học chần chừ một lúc rồi mới quyết định xắn quần lên.

Cô cúi xuống xắn ống quần lên, rồi bước xuống bậc thềm, đi thẳng về phía trước.

Khi đến đoạn đường có nước đọng, vì nước khá lầy lội nên cũng khó nhìn rõ đường bên dưới, Thư Niệm bèn dùng ô chọc chọc dò dẫm phía trước để hễ mà gặp nắp giếng hay chướng ngại gì đó còn biết đường mà tránh né.

Thế mà, kể cả khi đã cẩn thận đến chừng ấy, cô vẫn suýt ngã.

Ngay khi Thư Niệm suýt chút nữa rơi xuống nước, một bàn tay đột nhiên vươn ra, chụp lấy ô của cô.

Trong một tích tắc, Thư Niệm chỉ thấy ô trong tay bị ai đó dùng sức kéo sang một bên và cũng nhờ thế mà cô giữ được thăng bằng, không té ngã xuống vũng nước trước mặt.

Ánh mắt Thư Niệm đầu tiên rơi vào bàn tay đang cầm đầu kia ô của cô.

Các khớp ngón tay người nọ trông rất mảnh mai, móng tay ngắn, sạch sẽ, là một bàn tay rất đẹp.

Thư Niệm ngẩng đầu lên, khuôn mặt điển trai của Tống Kỳ Thanh đập vào mắt cô trong thoáng chốc.

Cô hoảng loạn chớp chớp hàng mi, vội vàng cảm ơn cậu.

Giọng cô gái nhỏ rất đỗi nhỏ nhẹ: “Cảm ơn…”

Tống Kỳ Thanh nghe cô nói thì hơi lơ đãng cắt ngang: “Không cần đâu.”

Sau đó bèn thả tay.

Thư Niệm tiếp tục đi về phía trước, Tống Kỳ Thanh luôn đi song song và cách cô một khoảng không xa.

Thư Niệm không dám quay đầu nhìn người ta lần nào, mãi đến khi lội qua đoạn ngập nước cô mới khó chịu nhích chân một chút, xem ra trong giày vẫn còn nước, nặng trịch khó đi.

Thư Niệm tiếp tục cất bước đi về phía trước một cách đầy khó chịu trên đôi giày đã ướt sũng nước của mình.

Đúng lúc ấy, Tống Kỳ Thanh chợt lên tiếng hỏi: “Cậu có đề vật lý nào không biết làm không?”

Thư Niệm không chắc cậu có phải đang nói với mình không, nhưng vẫn bất giác quay mặt sang nhìn cậu.

Còn Tống Kỳ Thanh đang chăm chú nhìn cô. 

Trong phút chốc, ánh mắt hai người va phải nhau.

Đôi gò má Thư Niệm như “bùng” một tiếng, đỏ bừng ngay tắc lự.

Ấy vậy mà cô còn không biết bản thân đang đỏ mặt nữa kia, thành thật trả lời câu hỏi của cậu trước cả khi kịp nhận thức được mình đang nói gì: “Có, nhiều lắm.”

Tống Kỳ Thanh bị câu trả lời “Nhiều lắm” của cô chọc cười, thế là hỏi tiếp: “Vậy sao không chịu hỏi tớ?”

Thư Niệm cứng họng, không biết phải trả lời câu này thế nào.

Tống Kỳ Thanh lại nói: “Thấy cậu ngày nào cũng cúi đầu học, đi học lo học tan học cũng học, cậu không hỏi tớ đề vật lý nên tớ cũng ngại mở miệng hỏi cậu đề tiếng Anh.”

Thư Niệm không ngờ cậu không chịu mở miệng hỏi cô về đề Anh là vì sợ làm phiền cô học.

Cô mở miệng thở ra một hơi rồi nhẹ nhàng nói: “Không sao mà, không biết cứ hỏi tớ.”

Sau đó còn ngần ngừ nhỏ giọng bổ sung: “Tớ không thấy phiền.”

“Được,” Tống Kỳ Thanh nhoẻn miệng cười, “Thế mai tớ sẽ hỏi cậu bài.”

Thư Niệm khẽ gật đầu.

“Xe tới rồi.” Tống Kỳ Thanh chợt lên tiếng nhắc cô.

Thư Niệm quay đầu nhìn, thật thế, xe buýt số 52 chạy thẳng đến nhà cô đang đậu ngay trạm chờ trước mặt hai người họ.

Cô cuống quít vẫy tay chào Tống Kỳ Thanh, mau mắn nói: “Tạm biệt.”

Rồi cắm đầu chạy tới trạm chờ xe.

Ngồi an vị trên xe buýt rồi “hồn” Thư Niệm mới nhập lại vào xác.

Cô vừa nói chuyện với Tống Kỳ Thanh thật kìa.

Cậu còn chủ động mở miệng hỏi cô nữa cơ đấy.

Thư Niệm vô thức nhoẻn miệng cười tươi.

Chỉ vì mỗi chuyện này mà cả đường về nụ cười luôn vắt va vắt vẻo treo trên khóe môi cô nàng.

Thư Niệm vừa bước vào cửa đã nhìn thấy cha và mẹ kế mới về nhà trước cô không lâu.

Cả Thư Tư Khiêm và Miêu Vũ đều chú ý đến ống quần được xắn cao và đôi vớ giày đẫm nước cô mang.

Thư Tư Khiêm hỏi Thư Niệm: “Sao giày với vớ ướt đấy?”

Chẳng hiểu duyên cớ gì mà Thư Niệm chợt nhớ người cha chạy đến tận trường đón Tư Ngưng, còn cõng cô bạn mình lội nước mưa.

Cô đáp: “Trước trường có một đoạn đường trũng, hôm nay mưa lớn đọng nước nên con phải lội bộ qua hết đoạn nước đọng đó.”

Ông nhíu mày nói tiếp: “Mau tắm đi.”

Miêu Vũ ân cần dặn dò Thư Niệm: “Niệm Niệm à, nhớ phải lấy nước ấm ngâm chân, chân lạnh dễ bệnh lắm đấy.”

“Vâng.” Thư Niệm đáp lời, xoay người lên lầu.

Cũng vì trận mưa thu tầm tã này mà nhiệt độ ở Thẩm Thành đột ngột giảm xuống.

Lúc đầu, khoác thêm áo ngoài là xong chuyện nhưng giờ trời lạnh nhiều hơn nên phải đổi sang mặc áo len dày ra đường.

Ngày hôm sau, Thư Niệm mặc một chiếc áo len đỏ bên ngoài áo khoác và đồng phục học sinh.

Tống Kỳ Thanh cũng khoác thêm áo len.

Cậu chàng mặc một chiếc áo len cổ cao màu kem mịn thêu điểm xuyết thêm đường viền cam cam, càng khiến cậu trông trắng trẻo điển trai hơn.

Trong giờ ra chơi ban sáng, cậu trở về lớp, gõ nhẹ tay lên mép bàn Thư Niệm.

Thư Niệm bèn đứng dậy nhường đường để cậu vào bàn trong.

Dạo này hai người toàn giao tiếp như thế là chính.

Tống Kỳ Thanh lấy bài kiểm tra tiếng Anh mình đã tự đánh dấu lại những câu sai rồi nói với Thư Niệm đang vừa ngồi trở lại chỗ: “Giờ được không? Giảng giúp tớ mấy câu tiếng anh trong bài.”

Thư Niệm vội vã gật đầu đáp: “Được chứ.”

Tống Kỳ Thanh đẩy bài kiểm tra về phía cô, và chỉ vào câu hỏi mà cậu đã đánh dấu lại bằng bút đỏ, “Cái này, sao lại chọn of mà không phải for hay to?”

Thư Niệm đọc đề rồi đáp: “Này là cụm cố định, cậu học thuộc là được.”

Tống Kỳ Thanh như thể hơi bất lực, “Ừ biết rồi.”

“Vậy cái này thì sao?” Cậu lại trỏ vào một câu khác.

Thư Niệm tiếp tục kiên nhẫn đọc đề rồi giảng bài cho cậu chàng.

Tống Kỳ Thanh “tiêu hóa” xong những bài mình không biết thì mở miệng nói với cô: “Cậu không hiểu câu vật lý nào có thể hỏi tớ.”

Thư Niệm lấy cuốn sổ phân loại câu hỏi sai của mình ra, mở tìm đến những câu liên quan đến mạch điện.

Cô sợ mấy câu về mạch điện hay bản đồ điện áp lắm, vì hoàn toàn không hiểu được chút gì.

Thế là Tống Kỳ Thanh cầm cuốn sổ của cô, vẽ sơ đồ mạch điện vào sổ, sau đó giải thích từng bước cho cô, nào là công tắc 1 mở thì công tắc 2 sẽ đóng, công tắc 3 mở riêng lẻ thì là mạch điện gì, công tắc 1 mở rồi công tắc 3 đóng kèm với công tắc 2 mở riêng thì lại là loại mạch gì.

Cậu phân tích từng trường hợp mạch điện cho Thư Niệm nghe, nếu thấy Thư Niệm vẫn không hiểu thì sẽ hỏi xem cô thắc mắc chỗ nào rồi kiên nhẫn giảng lại chỗ cô tắc kiến thức ấy thêm lần nữa.

Suốt 25 phút ra chơi, hai người ngồi rịt tại chỗ chỉ bài qua giảng bài lại cho nhau nghe. Cũng vì một người nói một người nghe nên cơ thể họ vô thức dựa vào gần nhau.

Thế mà cả Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh đều chẳng mảy may phát hiện.

Kể từ hôm đó, bài tiếng Anh Tống Kỳ Thanh không hiểu sẽ chủ động hỏi Thư Niệm, Thư Niệm cũng sẽ hỏi cậu những đề vật lý cô không biết làm.

Về chuyện học hỏi lẫn nhau này họ cực kỳ ăn ý.

Nhưng cũng chỉ ăn ý mỗi lúc giảng, được giảng ấy thôi chứ ngoài ra dạo thường vẫn sẽ im thin thít không ừ hử với nhau câu nào hết.

Thư Niệm thật sự không thể nói chuyện vô tư hay cười đùa gì với người mình yêu thầm được, còn về Tống Kỳ Thanh thì Thư Niệm nghĩ có thể là do cậu chàng không thích nói chuyện với con gái.

Bởi lẽ dường như cô chả bao giờ thấy cậu trò chuyện nhiệt tình với bất kỳ cô bạn nữ nào.

Trời ngày càng trở lạnh, kỳ thi giữa kỳ cũng ngày càng đến gần.

Hôm 7 tháng 11 trường tổ chức thi giữa kỳ, Thẩm Thành có gió lớn.

Gian phòng thi tĩnh mịch tới mức có thể nghe rõ rành rành tiếng gió gào rít bên ngoài, có khi gió còn lớn đến độ khiến cửa lớp lẫn cửa sổ va vào nhau.

Sau khi hai ngày thi kết thúc, Thư Niệm từ phòng thi trở về lớp học.

Có bài hát đang phát trên đài phát thanh, giọng hát nữ nghe vô cùng buồn bã và truyền cảm: “Cứ mỗi lần gặp nhau em đều chẳng có cách nào thở ra hơi / Khiến em còn tưởng anh có thứ vũ khí tước đoạt hơi thở của người khác nữa kia.” (1)

Thư Niệm nghe mà chợt nhớ đến bản thân mình.

Cứ hễ mỗi lần đối mặt với Tống Kỳ Thanh đều sẽ hoảng loạn, sẽ bối rối đến độ đến cả thở cũng khó khăn.

Cô nhẩm đi nhẩm lại lời bài hát nhiều lần, định bụng khi về nhà sẽ lấy điện thoại tìm tên bài hát.

Lúc Thư Niệm trở vào lớp thì trong lớp đã có không ít bạn học vừa về.

Mọi người đang thu dọn bàn học, bận rộn lấy sách vở vào chỗ từ ngoài hành lang.

Thư Niệm bước đến chỗ mình ngồi, ngạc nhiên phát hiện bàn học của mình đã được thu dọn y hệt như cũ.

Cả chỗ của Tống Kỳ Thanh cũng đã dọn xong xuôi, hơn nữa trên bàn học cậu còn để sách có kẹp hờ kẹp sách.

Thư Niệm đặt túi trong đựng bài kiểm tra lên bàn rồi ra ngoài dọn sách.

Vì có quá nhiều sách nên Thư Niệm không thể dọn hết vào trong một lần được.

Lúc cô đang định lấy một phần sách vào lớp thì chất giọng trong trẻo đặc trưng chỉ thuộc về mình Tống Kỳ Thanh đã vang lên từ đằng sau.

Cậu hỏi: “Có cần tớ giúp không?”

Thư Niệm quay mặt lại, ngẩng đầu nhìn cậu.

Cô còn đang muốn từ chối theo bản năng, Thư Niệm không muốn làm phiền người khác nên định tự mình, sách có nhiều thì cũng chỉ mất hai ba bận đi bận về là cùng.

Song, chỉ một giây trước khi cô lắc đầu từ chối, Tống Kỳ Thanh lại lên tiếng: “Thôi để tớ giúp cậu.”

Cậu đưa mấy cuốn sách trong tay cho Thư Niệm, để cô đứng sang một bên.

Thư Niệm khờ khờ dại dại đứng lên, ngoan ngoãn ôm sách của cậu chàng, bước sang một bên nhường chỗ.

Tống Kỳ Thanh khom lưng, hai bên tay lấy hai chồng sách rồi hơi dùng sức, nhấc hẫng hai chồng sách lên vô cùng gọn ghẽ.

Gân xanh trên mu bàn tay cậu chàng hơi gồ lên, đường nét hiện rõ ràng.

Cậu cầm sách của cô đi vào lớp trước, Thư Niệm ôm sách của người ta yên lặng đi theo phía sau.

Cô không khỏi lén nhìn anh một cái.

Cao quá đi, còn đẹp trai nữa chứ.

Thư Niệm nhìn bóng dáng cao cao gầy gầy của người ta mà tim đập thình thịch thình thịch miết.

Cứ như vừa được ai cài vào máy gia tăng nhịp tim vậy đấy.

Sau khi Tống Kỳ Thanh đặt hai chồng sách lên bàn mình, Thư Niệm cũng để sách của cậu lên bàn cậu rồi nhẹ giọng nói: “Cảm ơn cậu nhiều.”

Tống Kỳ Thanh cười cười, không nói gì.

Thư Niệm không mở miệng hỏi Tống Kỳ Thanh rằng liệu có phải bàn học của cô là do cậu dọn thay hay không.

Nhưng cô có cảm giác cậu dọn cho mình thật.

Dù sao cậu ấy cũng là một chàng trai rất, rất tốt bụng mà.

Ba ngày sau, kết quả kỳ thi nóng hổi “ra lò”

Lần này Thư Niệm xếp thứ 24 cả khối.

Cô leo từ hạng gần cuối đến giữa lớp.

Thư Niệm thật sự hy vọng bản thân có thể lọt vào top hai mươi vào kỳ kiểm tra sau.

Nhưng, nếu đã có kết quả kỳ thi giữa kỳ thì cũng đồng nghĩa với việc, phải đổi chỗ ngồi.

Chiều hôm ấy, thầy Dương mang theo sơ đồ chỗ ngồi mới đến tiết chủ nhiệm, bảo mọi người đổi chỗ trước ngày mai, tức là trước thứ bảy và chủ nhật.

Kể từ hôm nay trở đi, Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh không còn ngồi cùng bàn với nhau nữa.

Cũng từ hôm ấy trở đi, khoảng cách giữa Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh càng lúc càng xa xôi hơn.

Hết 07.


Chú thích bài hát:

(1) Em nhất định sẽ không nói yêu anh – Hứa Như Vân

Tâm sự tuổi hồng của Ngải Ngư:

Cuối cùng chương này hai cục cưng cũng chịu nói chuyện với nhau xíu xíu rồi, xúc động muốn trào nước mắt luôn đây.