Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors
Đăng nhập Đăng ký

ĐĂNG NHẬP

Quên mật khẩu

QUÊN MẬT KHẨU

ĐĂNG KÝ MỚI

Tên người dùng:
Mật khẩu:
Email:

Chương 4: Tam thất quý như vàng

10:36 sáng – 03/09/2024

Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 4: Tam thất quý như vàng tại dualeotruyen. 

Cám cầm hai quan tiền về, liền mua rất nhiều thức ăn ngon, một ít quần áo mới cho ba mẹ con. Chỗ còn lại nàng để sửa nhà, mua thêm ruộng và vải vóc về bán. Nàng dẹp ngay cái quán nước đầu làng bởi lời lãi chẳng đáng bao mà lại mất rất nhiều công sức. Bên cạnh việc buôn bán ở chợ, Cám còn tranh thủ đọc thêm sách mỗi khi rảnh rỗi. Từ ngày còn nhỏ, Cám thường theo chân lũ trẻ tới nhà thầy đồ, nhưng do nhà nghèo, lại thêm bản thân là con gái, nàng chỉ có thể đứng ngoài nghe lỏm. Vậy nhưng nhờ tương đối sáng dạ, sau một thời gian dài kiên trì và chăm chỉ, nàng đã biết kha khá chữ, cộng với tính ham đọc, hiện tại, Cám đã đọc được không ít sách.Nhờ hai quan tiền làm vốn, cuộc sống của ba mẹ con nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Cám mở được một sạp vải cố định ngoài chợ huyện, hàng ngày cưỡi ngựa mang hàng ra chợ bán, chiều về thì lo giặt giũ cơm nước. Bà Mão phụ trách quét tước nhà cửa, luôn tay luôn chân cả ngày. Còn Tấm, thời gian gần đây nàng cũng không rảnh rang cho lắm.

– Tấm à, dì thấy hôm nay Cám mới nhập hàng mới về, con ra chợ phụ nó nhé.

– Con bận đi chăn trâu mà dì, sắp đến vụ rồi.

– Sao con không chăn ngay gần đây, đi xa làm gì cho mất cả ngày trời?

– Dì ơi, chăn trâu thì chăn đồng xa, chứ chăn đồng gần làng bắt mất trâu! – Nàng nhoẻn cười nói.

Bà Mão không nói gì nữa nhưng có vẻ không hài lòng. Từ ngày Tấm phát hiện ra chăn trâu là một công việc hết sức nhẹ nhàng thì nàng dứt khoát không để ai động vào nữa. Chỉ cần đánh trâu ra đồng, buộc lại là nàng có thể tìm một chỗ có bóng mát ngồi nghỉ, ăn suất cơm mang theo rồi chờ tới chiều đánh trâu về. Đối với việc Tấm khăng khăng đòi đưa trâu đi chăn đồng xa, đương nhiên Cám hiểu lý do nhưng nàng cho rằng giữa việc loanh quanh quét sân trong nhà và đi chăn trâu thì như hiện nay cũng là tốt rồi.

Cuộc sống cứ như vậy đều trôi, tạm coi là yên ấm.

Cho tới một ngày.

Cám về nhà trước Tấm một lúc, đang đứng nấu cơm trong bếp thì nghe tiếng Tấm khóc lớn ngoài sân sau. Nàng và bà Mão vội chạy ra xem có chuyện gì.

– Con cá bống con nuôi trong giếng đâu rồi? – Nàng nức nở, giọng nghẹn lại.

– À, lúc nãy em múc nước rửa rau, thấy nó nằm chết phơi bụng nên vớt lên vứt đi rồi.

– Cái gì? Sao nó lại chết được? – Tấm càng khóc to hơn.

– Bao lâu rồi chị chưa cho nó ăn?

– Mới…ba hôm, – Giọng nàng bỗng nhỏ hẳn lại, nói như phân trần. – Mấy hôm vừa rồi chị đi chăn trâu về mệt quá nên quên mất. Nhưng mới chỉ ba hôm sao nó chết được?

– Ba hôm không cho ăn lại chả chết. – Cám lắc đầu. – Em biết đấy là con cá bống chị nuôi nhưng nó chết như vậy không vớt vứt đi ngay, lỡ bẩn hết nước giếng thì lấy đâu ra nước mà dùng? Với cả chết thì thôi, cá bống ngoài sông thiếu gì, có gì mà chị phải khóc?

Tấm cứng họng không nói lại được nhưng vẫn mang một bụng ấm ức, khóc nức nở chạy vào buồng, tối hôm đó nàng bỏ cơm.

Cám và bà Mão nhìn nhau áy náy lắc đầu.

…………

Thời gian gần đây bỗng rộ lên thông tin khu vực huyện nhà có tam thất bắc, vốn là một vị thuốc rất tốt, thậm chí còn được coi là thần dược. Điều này đã làm xáo trộn đời sống của tất cả mọi người, gia đình nhà bà Mão cũng không phải ngoại lệ. Bà Mão phải ra chợ bán vải thay Cám để nàng theo chân người ta lên núi đào tam thất. Do đọc nhiều sách, nàng biết là tam thất thường chỉ có trên núi cao nên bỏ qua khu vực thấp nhiều người đào, nàng mạo hiểm một mình leo lên những vách núi cao nhất. Việc đào tam thất dù mang lại nhiều tiền nhưng nếu chỉ đơn giản là đi bách bộ lên sườn đồi nhổ mang về thì tam thất đã không đắt đỏ đến mức được ví như vàng thế. Cám thường phải mang theo lương thực dự trữ cho mấy ngày, ăn ngủ trên núi để tìm tam thất, nhưng có lần thì tìm được một ít, có lần lại về tay không, hoàn toàn phụ thuộc vào vận may.

Đường lên núi hôm nay vẫn như mọi ngày, nườm nượp người qua lại, trong đó Cám nhận ra không ít người quen.

– Chị lại đi đào tam thất sao? – Một cô gái trẻ trạc tuổi nàng vui vẻ bắt chuyện.

– Ừ, đợt này cả huyện cùng đi đào chứ không phải mỗi làng mình.

– Nhưng không nhiều người tìm được đâu. Chị có tìm được chút nào không?

– Từ bấy đến giờ đi theo mọi người thôi, tôi cũng chưa đào được củ nào. – Mắt Cám hơi lóe lên một tia cảnh giác. – Hôm trước nghe nói nhà ông Ngư đào được một ít đó.

– Thật sao? Ở đâu vậy, chị có biết không chỉ chỗ cho tôi?

– Thấy bảo ở ngay ngọn đồi trước mặt, tam thất thường thấy ở triền đồi mà. – Nàng nói với vẻ hết sức thành thật.

Cô gái kia cảm ơn rồi vội nhắm hướng Cám chỉ đi tới, còn Cám cũng nhanh chóng theo hướng ngược lại, đi về phía ngọn núi cao nhất trong vùng.

Nàng không biết rằng, có một người đã nghe được câu chuyện, giờ đang âm thầm bám theo nàng.

– Bẩm cậu, để chúng tôi đi theo cậu. – Mấy người tùy tùng định bám theo thì bị người kia giơ tay cản lại.

– Đứng dưới này chờ ta, cấm không ai được đi theo. Sau ba ngày không thấy ta xuống núi thì hẵng lên tìm. Rõ chưa?

– Vâng, thưa cậu.

Cám đeo tay nải, mải miết leo núi, đầu óc chỉ hoàn toàn tập trung tìm những khu vực phù hợp với điều kiện sinh trưởng của tam thất mà không để ý gì tới xung quanh.

Đột nhiên tiếng một cành khô vỡ khiến nàng giật mình.

– Ai đó? – Nàng cảnh giác lên tiếng, tay nắm chặt con dao. Để kiếm được tam thất, nàng đã bất chấp mạo hiểm leo lên núi cao, mặc cho nhan nhản nguy cơ về sơn tặc hay dã thú, nhờ đó mà cũng đã luyện thành bản lĩnh sẵn sàng ứng chiến trong mọi tình huống.

– Là tôi, cô còn nhớ tôi không? – Khánh ung dung bước ra, nhẹ nhàng lên tiếng.

– Anh tên Khánh, lần trước từng uống nước ăn trầu ở quán của tôi. – Nàng chầm chậm nói. Tất nhiên Cám không thể quên được hắn, nếu không có chiếc nhẫn của hắn gán nợ thì giờ nàng và Tấm vẫn còn phải chật vật với cái quán xiêu vẹo đầu làng kia.

– Còn cô là Bột Gạo, tên cô tôi có muốn quên cũng không được.

Cám cắn môi cố nén cười, không ngờ cái tên nàng thuận mồm nói ra lại được hắn ghi nhớ. Thế nhưng nàng không hề đính chính.

– Sau đó tôi có dịp quay lại quán nước nhưng không còn thấy cô ở đó nữa, cô đổi nghề nhanh vậy sao?

– Vâng, cũng nhờ anh… – Cám nói rồi biết mình đã lỡ lời, vội im lặng, giả bộ tiếp tục tìm kiếm tam thất.

– Nhờ tôi? – Khánh hơi nhíu mày – Ý cô là…?

– À, chắc là nhờ anh mang lại may mắn cho tôi cho nên sau đó tôi làm ăn khấm khá hơn, mở được sạp hàng trên chợ huyện.

Khánh quan sát rất kỹ hai bàn tay nàng, rồi khẽ hỏi:

– Cái nhẫn đâu rồi?

– Tôi…tôi để ở nhà, tôi sợ đeo ra ngoài đánh rơi mất.

– Thật là may, – Hắn tặc lưỡi. – Tôi lần này đi tìm cô vì muốn chuộc lại cái nhẫn. Tôi sẽ gửi cô hai mươi đồng tiền, âu cũng là để cám ơn cô đã giữ giùm.

Cám đánh rơi luôn con dao đang cầm trên tay. Nàng lắp bắp:

– Không phải anh bảo dùng nhẫn thay thế sao? Sao giờ lại chuộc lại?

– Chiếc nhẫn đó vốn là quà tặng của một người quen, lần đó thiếu tiền nên tôi mới phải gửi chỗ cô, giờ mang đủ tiền đi để chuộc lại rồi, chứ không lỡ sau này gặp người ta mà không có nhẫn thì ngại lắm.

Sắc mặt Cám càng lúc càng trở nên khó coi, Khánh thì chăm chú quan sát không bỏ sót bất cứ biểu hiện nào của nàng. Nàng suy nghĩ rất nhanh, biết rằng nếu không liều thì sẽ không thể thoát khỏi tình huống này, liền nói:

– Anh nói phải đó, tôi sẽ gửi lại nhẫn cho anh. Ngặt nỗi giờ tôi chưa về ngay, phải tầm ba ngày nữa tôi mới về, anh cứ xuống núi trước, trưa ngày thứ tư anh đợi tôi ở chỗ quán nước cũ của tôi, tôi sẽ mang nhẫn tới.

– Tôi cũng lên đây đào tam thất, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau. – Khánh ôn tồn nói. – Còn dưới núi đã có người của tôi chờ sẵn rồi, sẽ chuẩn bị ngựa cho cô về tận nhà.

Cám cảm thấy cuộc đời mình như sắp chấm dứt. Sạp vải vừa mới gây dựng, ruộng đất vừa mới tậu sắp vào vụ, chỗ tam thất đào được thời gian qua, tất cả mang bán gấp đi may ra mới đủ tiền chuộc lại chiếc nhẫn kia. Mà nàng biết chắc chắn ông chủ tiệm kim hoàn sẽ không để nàng chuộc lại với giá hai quan tiền. Rồi sau này cả nhà sẽ sống thế nào?

Trước mắt nàng bỗng tối sầm, Khánh đã đứng chắn trước mặt, nhìn nàng đầy uy hiếp:

– Nhẫn của tôi đâu? Nói thật đi!

Nàng giật mình lùi một bước, mồ hôi lạnh chảy sau gáy, hoàn toàn mất tự chủ trước cái nhìn đáng sợ kia, lắp bắp:

– Tôi…tôi bán mất rồi.

– Bán rồi? – Hắn gần như quát lên. – Sao cô dám…?

– Tại tôi cần tiền. – Nàng rơm rớm nước nước mắt, nhất nhất kể hết mọi chuyện, không còn một mảy quanh co. – Tôi cần vốn để làm ăn buôn bán chứ mấy miệng ăn trông vào cái quán nước xiêu vẹo kia làm sao đủ? Tôi cũng không nghĩ chiếc nhẫn của anh lại đáng giá như vậy.

– Cô bán bao tiền?

– Hai quan tiền! – Dưới áp lực của Khánh, nàng không dám nói dối, cứ thế khai sạch sẽ.

– Hai quan tiền? – Hắn trợn mắt kêu lên, tay ôm đầu lẩm bẩm. – Chiếc nhẫn đó bán hai quan tiền?

– Đó là tôi…tôi ép lão chủ cửa hàng mua với giá đó chứ lão đòi trả tôi có một quan thôi.

– Ta sẽ giết lão ấy… – Hắn nghiến răng, vừa tức vừa buồn cười nhìn cô gái trước mặt.

Lúc này Khánh mới phát hiện ra đôi mắt to của nàng đang ngập nước mắt, không hiểu sao cơn giận của hắn liền biến mất không tăm tích. Khánh áy náy nói:

– Thôi được rồi, ta không trách cô nữa, đừng khóc.

– Tôi xin lỗi. – Nàng cúi đầu nói. – Cho tôi một năm, tôi sẽ tìm cách trả lại nhẫn cho anh. Mà không, lỡ ông ta bán mất thì sao? Hay là anh tạm bỏ tiền ra chuộc trước đi, tôi sẽ cố trả anh đủ tiền trong vòng một năm. Có được không?

– Ừm… – Khánh khẽ gãi cằm, tỉnh bơ nói. – Tôi đang định bảo cô là thôi không cần để ý nữa, vì là tự tôi đã đề nghị để lại cái nhẫn cho cô trừ nợ, kể ra về lý thì cô cũng không có trách nhiệm phải trả lại tôi. Nhưng cô nói thế thì tôi đành nghe theo thôi.

Cám siết chặt con dao trong tay đến mức các ngón tay trắng bệch. Nếu Khánh không quá cao so với nàng, chắc chắn nàng sẽ không ngần ngại thử độ sắc của dao trên cổ hắn.